Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến hàng đầu ở phụ nữ trên thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, ung thư cổ tử cung là một trong những loại bệnh ung thư phổ biến hàng đầu ở phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên phần lớn những người mắc bệnh không biết mình mắc bệnh do bệnh thường không có những dấu hiệu nổi bật.

Ung thư cổ tử cung là gì?

Cổ tử cung dài khoảng 5cm, nằm giữa tử cung và âm đạo, là bức tường phòng thủ đầu tiên chống lại các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đầu mở của cổ tử cung thông với âm đạo, được bao phủ bởi một lớp mô mỏng, lớp mô này được tạo thành từ các tế bào.

Ung thư cổ tử cung là một bệnh lý ác tính của tế bào gai hoặc biểu mô tuyến cổ tử cung, hình thành khi các tế bào ở cổ tử cung phát triển bất thường, tạo ra khối u trong cổ tử cung, nhân lên vô kiểm soát và xâm lấn khu vực xung quanh, thậm chí di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể.

Nguyên nhân ung thư cổ tử cung

  • Nhiễm virus HPV (Human Papillomavirus) 16, 18, 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59, 68, 82. Trong đó khoảng 2/3 số ung thư cổ tử cung là do týp HPV 16 và 18.
  • Hút thuốc lá.
  • Suy giảm miễn dịch do thuốc hay các bệnh lý ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch như HIV, AIDS.
  • Nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục như herpes sinh dục, HIV, chlamydia…
  • Lạm dụng thuốc tránh thai thời gian dài làm tăng khả năng viêm niêm mạc màng trong tử cung và khiến việc thụ thai trở nên khó khăn hơn.
  • Chế độ ăn ít trái cây và rau.
  • Thừa cân có thể làm tăng nồng độ Estrogen (hormone sinh dục nữ chính), dẫn đến nguy cơ cao bị ung thư tuyến.
  • Sinh đẻ nhiều lần – sinh con sớm: Những phụ nữ sinh từ 3 con trở lên hoặc sinh con trước 17 tuổi có khả năng bị ung thư cổ tử cung gấp đôi người bình thường.
  • Tiền sử gia đình có người bị ung thư cổ tử cung: Nếu gia đình bạn có người hoặc chính bố, mẹ bạn mắc các bệnh nguy hiểm thì bạn cũng sẽ có tỉ lệ mắc bệnh khá cao.
  • Có mẹ sử dụng Diethylstilbestrol (DES) là loại hormone có tác dụng phòng sẩy thai. Những người phụ nữ có mẹ sử dụng DES trong 16 tuần đầu mang thai có nguy cơ xuất hiện carcinom tuyến tế bào sáng nhiều hơn phụ nữ có mẹ không dùng DES.
  • Hoàn cảnh sống khó khăn, không thể tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế đầy đủ.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung

Đã có rất nhiều nghiên cứu về nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, các chuyên gia cũng đã xác định một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, tăng khả năng chuyển tế bào bình thường sang tế bào bất thường hoặc tế bào ung thư:

  • Quan hệ với nhiều người: Các nghiên cứu phát hiện, nếu một phụ nữ có nhiều hơn 7 bạn tình trong đời hoặc nhiều hơn 2 bạn tình trong vòng 1 năm, nguy cơ nhiễm HPV sẽ tăng lên. Ngoài việc có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục khi còn ở tuổi vị thành niên cũng là yếu tố nguy cơ, vì lúc này các tế bào mô cổ tử cung chưa trưởng thành, chúng cực kỳ nhạy cảm và dễ bị tác động tổn thương.
  • Mang thai sớm hoặc mang thai nhiều lần: Việc mang thai và sinh con trước năm 17 tuổi, khi các cơ quan sinh dục chưa phát triển hoàn thiện sẽ gây tổn thương cho cơ quan sinh sản, đặc biệt là cổ tử cung. Ngoài ra, những người mang thai từ 4 lần trở lên cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người khác.
  • Hút thuốc lá: Trong thuốc lá có chứa nicotine, đây là chất dễ khiến hệ miễn dịch suy yếu và làm stress oxy hóa, từ đó làm mất cân bằng các gen sinh ung thư.

  • Suy giảm miễn dịch: Hệ thống miễn dịch có vai trò quan trọng trong việc tiêu diệt tế bào ung thư. Việc suy giảm miễn dịch là yếu tố nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung.
  • Một số yếu tố khác như: Vệ sinh cá nhân kém, sử dụng thuốc tránh thai thường xuyên, lạc nội mạc tử cung, nhiễm chlamydia…

Dấu hiệu ung thư cổ tử cung

Cũng giống như các loại ung thư khác, những thay đổi của ung thư cổ tử cung ở giai đoạn đầu diễn biến thầm lặng, hầu như không có triệu chứng điển hình.

Bác sĩ Bạch Thị Chính cảnh báo, khi có dấu hiệu rõ ràng, có thể ung thư cổ tử cung đã phát triển và lan rộng. Trong giai đoạn này, điều trị vẫn có hiệu quả nhưng rất phức tạp và tốn kém. Có thể phải phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị. Nếu phẫu thuật có thể sẽ liên quan đến việc cắt bỏ cổ tử cung, tử cung, buồng trứng và các hạch bạch huyết lân cận, điều này có thể khiến phụ nữ mất thiên chức làm mẹ.

Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết của ung thư cổ tử cung:

  • Chảy máu âm đạo bất thường: Đây là triệu chứng rõ ràng nhất của ung thư cổ tử cung. Chảy máu âm đạo có thể xảy ra sau giao hợp, chảy máu sau mãn kinh, sau hành kinh, số ngày hành kinh kéo dài, hoặc chảy quá nhiều máu trong chu kỳ kinh nguyệt.
  • Đau vùng chậu: Đau vùng chậu cũng là dấu hiệu khả nghi nhất của ung thư cổ tử cung. Ở giai đoạn này có khả năng tế bào ung thư đã lan tới xương chậu. Phụ nữ cần đặc biệt chú ý khi bị đau xương chậu không liên quan đến kỳ kinh, đau khi quan hệ tình dục hoặc đau khi đi tiểu.
  • Dịch tiết âm đạo bất thường: Dịch tiết âm đạo có màu khác thường như xám đục, có mùi hôi, tiết dịch nhiều hơn bình thường.
  • Thay đổi thói quen đi tiểu: Tiểu thường xuyên, tiểu gấp cũng là các triệu chứng liên quan đến ung thư cổ tử cung.
    Sưng đau ở chân: Khi khối u phát triển lớn dần, nó sẽ chèn vào các dây thần kinh và mạch máu ở vùng chậu gây ra đau và sưng chân. Đặc biệt cơn đau kéo dài dai dẳng, có thể biến mất trong một vài ngày, nhưng sau đó càng nặng hơn.

Phòng ngừa ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi được nếu phát hiện kịp thời. Chính vì vậy, chị em phụ nữ cần thực hiện tầm soát và phát hiện sớm ung thư phụ khoa trong đó có ung thư cổ tử cung để chữa trị kịp thời. Nếu bệnh càng tiến triển thì việc chữa trị càng trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh, nữ giới nên sử dụng các biện pháp tự bảo vệ khi quan hệ tình dục, luôn giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ vào các thời điểm nhạy cảm, chẳng hạn như trong kỳ hành kinh, sau kỳ kinh, sau khi vận động thể lực, sau khi quan hệ tình dục, xây dựng chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý…

Vệ sinh sinh dục đúng cách

Vệ sinh sinh dục đúng cách là một trong phương pháp giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung khá đơn giản nhưng vô cùng cần thiết. Để tăng hiệu quả, bạn nên sử dụng các dung dịch vệ sinh phụ nữ nổi tiếng, có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng.

Tránh tiếp xúc với HPV hoặc các virus lây qua đường tình dục khác (HSV, HIV và chlamydia)

Nên có biện pháp quan hệ tình dục lành mạnh bằng cách sử dụng bao tránh thai và tuân thủ chế độ 1 vợ – 1 chồng để hạn chế tối đa sự tiếp xúc với những virus lây qua đường tình dục.

Có lối sống khoa học

Tăng cường sức đề kháng, bỏ thuốc lá, rượu bia và xây dựng chế độ ăn uống khoa học là là cách hữu hiệu để phòng ngừa ung thư cổ tử cung và các bệnh nguy hiểm khác. Ngoài ra, tập thể dục thường xuyên sẽ giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh và ít bị bệnh tật hơn.