Bệnh ung thư máu (ung thư bạch cầu) xảy ra khi có đột biến hoặc các thay đổi khác trong gen ADN của tế bào máu. Bệnh ung thư máu ác tính thường được chia thành nhiều loại khác nhau. Việc điều trị bệnh ung thư máu cũng rất phức tạp, tốn kém và có tỉ lệ tử vong rất cao. Mời bạn tham khảo ngay bài viết dưới đây.

Ung thư máu là bệnh gì?

Ung thư máu là loại ung thư xảy ra trong các mô tạo máu của cơ thể, bao gồm tủy xương và hệ thống miễn dịch. Có nhiều dạng ung thư máu khác nhau. Một vài dạng bệnh ung thư máu xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ, trong khi một số dạng khác xảy ra ở người lớn nhiều hơn.

Điều trị bệnh ung thư máu yêu cầu kết hợp nhiều phương pháp khác nhau, phụ thuộc vào dạng bệnh và các yếu tố khác. Một phác đồ điều trị hợp lý cùng nguồn nhân lực chất lượng cao có thể giúp bạn đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.

Vì sao bị ung thư máu?

  • Nguyên nhân gây nên bệnh ung thư máu vẫn chưa được xác định rõ, nhưng một số tác nhân có thể gây ra bệnh như:
  • Tiếp xúc với các nguồn phóng xạ, như trường hợp các nạn nhân bom nguyên tử ở Nhật vào cuối Thế Chiến II, vụ tai nạn nổ lò nguyên tử Chernobyl (Ukraine) năm 1986 hoặc ở bệnh nhân tiếp nhận xạ trị.
  • Bệnh nhân ung thư được điều trị bằng thuốc và hóa chất.
  • Làm việc trong môi trường có nhiều hóa chất như benzene, formaldehyde.
  • Một số bệnh do thay đổi gene như hội chứng Down, do virus hoặc vài bệnh về máu.

Triệu chứng của ung thư máu

Triệu chứng bệnh ung thư máu phụ thuộc nhiều vào số lượng các tế bào bạch cầu ác tính có trong máu cũng như cả vào vị trí các tế bào này gây ảnh hưởng tới cơ thể.

Vì thế nên người bệnh ở thể bệnh nào thì các triệu chứng ở thể bệnh ấy cũng khác nhau.

Khi tế bào dạng bạch cầu ung thư phát triển nhanh trong tủy sẽ gây ra tình trạng đau nhức xương. Đồng thời chúng chiếm chỗ và làm giảm sự phát triển những tế bào máu bình thường khác. Lúc đó bệnh nhân có thể có những chứng sau:

Đốm đỏ: Đốm đỏ hoặc tím trên da là hệ quả của việc sụt giảm số lượng tiểu cầu trong cơ thể.
Nhức đầu: Nhức đầu dữ dội, đi kèm đó là hiện tượng đổ mồ hôi, da dẻ xanh xao. Do sự suy thoái lưu lượng máu đưa lên não khiến cho não không được cung cấp đủ oxy nên gây đau đầu.

Sưng hạch bạch huyết: Đây là triệu chứng thường thấy ở bệnh nhân ung thư máu, tuy nhiên nó không gây đau.
Da xanh xao, cơ thể luôn có cảm giác mệt mỏi

Chảy máu cam: Chảy máu cam là hiện tượng khá thường gặp nhưng nếu trong trường hợp chảy máu nhiều, liên tục nhiều ngày thì ngay lập tức phải khám bệnh càng sớm càng tốt bởi đây có thể là hệ quả của việc suy giảm số lượng tiểu cầu – tế bào có tác dụng cầm máu.

Sốt cao thường xuyên: Triệu chứng này xảy ra do bệnh nhân mắc ung thư máu bị suy giảm trầm trọng khả năng miễn dịch

Đau bụng: Khi ung thư máu đã di căn đến gan và lá lách, nó có thể gây sưng tấy ở các bộ phận này. Do đó, bệnh nhân thường có cảm giác đau bụng, đầy hơi, mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn, hoặc ói mửa.

Phòng ngừa ung thư máu

Tránh tiếp xúc với hóa chất: Các loại hóa chất hư thuốc diệt cỏ, benzen.. là một trong những nguy cơ chính cho việc phát triển bệnh ung thư máu. Trong trường hợp bất khả kháng, cố gắng giảm thiểu thời gian tiếp xúc và mang đồ bảo hộ như găng tay, khẩu trang…

Tránh tiếp xúc bức xạ: Bức xạ cũng có thể làm thay đổi các thành phần trong máu, vì vậy sẽ tốt hơn nếu giảm thiểu thời gian tiếp xúc với các tia nồng độ cao.

Tập thể dục thường xuyên: Nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, tập các bài tập nhẹ nhàng, vừa sức bởi vì khoa học chứng minh rằng tập thể dục có thể ngăn ngừa ung thư, và ung thư máu cũng không phải ngoại lệ.

Chế độ ăn uống hợp lý: Bệnh nhân nên ăn các loại thực phẩm như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả, đồng thời giảm thiểu tiêu thụ các chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.