Châu á là vùng đất có rất nhiều phong tục tập quán, truyền thống, văn hóa, trong đó ngày tết Trung thu mang đặc trưng riêng thu hút so với các châu lục khác. Ngày tết Trung thu của các nước Châu á được coi là ngày dành riêng cho trẻ em với những lễ hội đèn lồng, múa lân sư rồng, bữa tiệc phá cỗ dưới trăng rằm… Hãy cùng Sức khỏe và Làm đẹp khám phá truyền thống tết Trung thu Tại các nước Châu Á nhé.

1 Trung Quốc

Truyền thống lễ trung thu tại Trung Quốc

Trung Quốc được coi như cái nôi truyền thống của tết Trung thu (hay còn gọi là tết đoàn viên). Đây là dịp lễ rất quan trọng đối với những người con Trung Quốc, là dịp để mọi người cùng về nhà đoàn tụ. Với mỗi vùng miền khác nhau, phong tục đón tết cũng sẽ có những nét không tương đồng, nhưng điểm chung nhất của tất cả các địa phương là nhà nhà treo đèn lồng đỏ, ăn bánh nướng, thưởng trà ngắm trăng.

2 Việt Nam

Rước đèn trung thu truyền thống của trẻ em Việt Nam

Do có sự giao lưu văn hóa lâu đời với Trung Quốc nên tục lệ đón tết Trung thu của người Việt cũng có nhiều điểm tương đồng với người Hoa. Đó là ăn bánh, uống trà và thưởng trăng. Điểm khác biệt của tết Trung thu của người Việt đó là nhà nhà bày mâm ngũ quả cúng lễ gia tiên, người lớn ăn bánh, uống trà còn trẻ em cầm đèn lồng, đèn ông sao tham gia các hoạt động múa hát, các trò chơi dân gian tại các địa phương.

3 Nhật Bản

Bánh nếp truyền thống của người Nhật Bản.

Người Nhật cũng thường đón tết Trung thu hàng năm vào ngày rằm tháng tám với tên gọi là “lễ ngắm trăng”. Vào những ngày này, người Nhật sẽ ăn món ăn có tên gọi là Tsukimi dango (một loại bánh nếp hình tròn). Người Nhật thường bày bánh này theo hình tam giác và đặt vào những nơi thoáng đãng để người ta có thể vừa ăn bánh vừa ngắm trăng. Trẻ em ở Nhật thường được bố mẹ mua cho lồng đèn cá chép để rước chơi. Ở Nhật, đèn lồng cá chép tượng trưng cho sự dũng cảm.

4 Hàn Quốc

Truyền thống của trẻ em Hàn ngày Trung thu

Ở Hàn Quốc, Trung thu là một trong hai ngày lễ lớn nhất của đất nước này. Tên gọi của lễ này là Chuseok có nghĩa là đêm mùa thu. Lễ hội được tổ chức vào mùa thu hoạch hàng năm nên còn được coi như một ngày hội mùa. Vào ngày này người Hàn thường sử dụng những sản phẩm mới thu hoạch được để dâng lên tổ tiên. Trẻ em được mặc áo truyền thống cùng người ăn vui chơi và ăn bánh Trung Thu. Bánh Trung thu Hàn Quốc được gọi là Songpyeon, là loại bánh được làm từ bột gạo nếp, đậu xanh, đường và lá thông. Ở Hàn, bánh Trung thu có hình trăng khuyết hoặc hình bán nguyệt.

5 Thái Lan

Lễ hội thả đèn lồng của người Thái

Tết Trung thu ở Thái Lan còn được gọi là lễ cầu trăng. Vào ngày này, tất cả mọi người từ già trẻ gái trai đều ngồi quây quần bên bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Bát Tiên để cầu nguyện. Trên bàn thờ được bày quả đào và bánh Trung Thu. Người Thái tin rằng, Bát Tiên sẽ giúp họ mang những quả đào lên chúc thọ Quan Âm và thần tiên sẽ ban điều tốt lành đến cho mình. Vì vậy, bánh Trung thu ở Thái Lan cũng có hình như quả đào.

Truyền thống ngày tết Trung thu của các nước Châu Á  hằng năm thu hút khách du lịch từ khắp các nơi trên thế giới. Có thể nói đây không chỉ là ngày Tết của trẻ em Châu á mà còn là của tất cả bạn bè khắp năm Châu.