Thịt là loại thực phẩm được sử dụng phổ biến với mỗi người dân Việt Nam. Thịt chất lượng sẽ giúp cho món ăn thơm ngon, thể hiện được đúng chuẩn hương vị. Có rất nhiều mẹo hay giúp bạn có thể phân biệt được đâu là loại thịt gia súc khỏe mạnh, đâu là thịt gia súc bị bệnh. Một số mẹo hay ở Việt Nam giúp bạn có thể phân biệt dễ dàng thịt gia súc bị bệnh. 

Thịt Lợn

Bạn nên chọn thịt lợn có màu hồng nhạt, thớ mịn, da không quá dày, không lẫn quá nhiều mỡ trong thịt. Với các món nướng hoặc đút lò, bạn nên chọn thịt có màu hồng sáng cùng với khoảng 1cm mỡ bọc bên ngoài. Với các món xốt, làm nhân bánh, bạn có thể chọn thịt sẫm màu cũng được.

Khi chọn thịt cần tránh loại có lớp mỡ dưới da mỏng, lỏng lẻo, dày chưa đến 1cm vì đây có thể là lợn được nuôi bằng thức ăn có chất tạo nạc (trong khi lớp mỡ của lợn nuôi bình thường dày từ 1,5 – 2cm). Cách chọn thịt lợn ngon phải có lớp mỡ màu sáng bóng, phần nạc rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính. Thịt tươi và sạch không có mùi lạ, mùi ôi thiu hay mùi thuốc kháng sinh.

Thịt Bò

Thịt bò đủ tuổi thường có vân mỡ trong thớ thịt, lớp mỡ bên trên cứng và có màu vàng đậm. Phần thịt rắn và có màu đỏ sậm, thớ thịt đều và có độ bóng. Thịt bò kém chất lượng, màu thịt thường là đỏ sẫm, lớp mỡ rất mềm hoặc thịt có quá nhiều nạc và chỉ có một chút xíu mỡ. Một cách chọn thịt bò tươi ngon nữa là, bạn có thể dùng tay ấn vào, thịt tươi sẽ có độ đàn hồi tốt, vết nhấn không bị lõm. Quan sát bề mặt thịt tươi khô mịn, không có xơ vụn, khi thái, miếng thịt thường dính dao.

Thịt Cừu

Cừu đủ lớn (thường từ 1 – 2 tuổi) sẽ có thớ thịt màu hồng nhạt, phần mỡ bao bọc bên ngoài có màu trắng kem và khá giống với sáp nến, xương mềm có màu hồng do giữ được máu bên trong các mô xương. Bạn nên chọn thịt có kết cấu mịn, độ đàn hồi cao, sờ qua cảm nhận được độ dẻo. Đặc biệt, thịt cừu đã chuyển màu thâm tím và mỡ có màu ngà ngà thì không nên mua bởi sản phẩm đã để lâu, không còn tươi hoặc miếng thịt ấy được lấy từ những con cừu mắc bệnh.

Thịt Dê

Thịt dê thông thường có rất nhiều nạc, thớ thịt hồng và mùi gây gây, ngửi thấy hơi khó chịu – đây là điểm đặc trưng của loại thịt này. Bằng mắt thường, bạn có thể thấy thịt dê có lớp da khá mỏng. Các phương pháp chế biến thịt dê thông thường là nướng, hầm, bỏ lò hoặc có cả ăn tái…

Thịt gà

Chọn con khoẻ mạnh, mào đỏ tươi, chân thẳng, nhẵn, không đóng vẩy, ức đầy, hậu môn nhỏ, khô. Đừng chọn gà già quá, cũng đừng chọn non quá. Thịt gà ăn ngon nhất là lúc gà mái tơ sắp đẻ, chân vàng, mắt trong, mào đỏ tươi, lông mượt, thịt chắc, ức đầy.

Phân biệt gà tơ, gà già và gà bị bệnh như sau:

Gà tơ: da lông mềm mại, lỗ chân lông và đùi to, cẳng chân nhỏ, sờ đệm thịt ỏ bàn chân gà thấy da mềm và mỏng.

Gà mái già thì chân cứng, đóng vẩy, sờ đệm thịt ở bàn chân thấy rắn chắc, da dầy, lông bù xù, lỗ chân lông to, cổ nhỏ, da trắng xám và nổi nhiều gai sần, hậu môn to. Gà trống già thì cựa dài.

Gà bị bệnh: chân lạnh, mào tái, dáng ủ rũ, hay vẩy mỏ, xách lên thấy chảy nước dãi, sờ vào diều thấy căng như bong bóng, hậu môn ướt.

Phân biệt gà làm thịt hay gà toi: Thịt gà đã luộc chín, hãy nhìn chiếc đùi gà, nêu thấy thịt co lên để hở xương ra, ấy là gà làm thịt, nếu không thấy co lên, chính là thịt gà toi.

Thịt vịt

Chọn vịt lớn và béo, mỏ to, ức tròn, da cổ và da bụng dầy, mọc đủ lông (điểm cuốỉ của hai cánh vừa đủ chéo vào nhau). Không chọn vịt non và vịt mới thay lông.

Vịt non thì mỏ to và mềm. Vịt già thì mỏ nhỏ và cứng. Vịt đã đẻ nhiều lứa thì bụng dưới xệ xuống. Thịt vịt đực ăn ngon hơn thịt vịt cái.